Nghi thức tụng niệm

NGHI THỨC TỤNG NIỆM
(Dành riêng cho hành giả tu Chánh hạnh vãng sanh Tịnh độ)

Thích Nguyên Chơn soạn dịch


(Tắm gội và thay y phục sạch sẽ, đến trước tượng Đức A-di-đà, đứng trang nghiêm chắp tay, lắng lòng, mắt chiêm ngưỡng tôn dung Ngài khoảng 15 giây, rồi lạy một lạy, quỳ gối. Chủ lễ cầm ba nén nhang, chậm rãi, thiết tha đọc bài Nguyện hương)

[Nguyện hương]
Hương trầm xông thơm ngát
Kết thành áng mây lành
Đệ tử với lòng thành
Cúng dường Phật, Pháp, Tăng
Tín nguyện lòng kiên cố
Niệm Phật mãi tinh cần
Chánh trợ nghiệp song hành
Bốn tu, ba phước trọn
Hiện đời không bệnh khổ
Lâm chung chánh niệm an
Tam Thánh thương đến rước
Tây phương cảnh hiện tiền
Nam-mô Hương Cúng Dường Bồ-tát (3 lần).

Đệ tử chúng con hôm nay quỳ trước các Đức Phật Thế Tôn, chí thành dâng hương kính bày tâm nguyện. Từ nhiều kiếp lâu xa, chúng con mãi trôi lăn trong các đường dữ, bao lần đánh mất thân người. May thay kiếp này mới gặp lại, được nghe chánh pháp, được biết năng lực danh hiệu và bản nguyện của Đức A-di-đà, chúng con nhóm họp nơi đây tụng kinh, lễ niệm hồng danh Từ phụ, thực hành Tịnh nghiệp vãng sanh.
Chúng con một lòng khẩn thỉnh Đức Phật Thích-ca Mâu-ni chứng minh, Đức Từ phụ A-di-đà cùng các Đại Bồ-tát, các Hiền thánh tăng trong hải hội Liên Trì rủ lòng xót thương gia hộ, khiến cho chúng con thân tâm an lạc, tội chướng, báo chướng, oán chướng thảy dứt trừ, lòng tin càng bền vững, sức hành trì càng tăng, ý nguyện càng thiết tha, ngõ hầu mai sau được sanh về cõi An Dưỡng.
Nam-mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát (3 lần)
(Đứng dậy cắm nhang vào lư rồi đọc bài tán Phật và xướng lễ)


[Tán thán Phật]
Sắc thân Như Lai đẹp
Trong đời không ai bằng
Không sánh, chẳng nghĩ bàn
Nên nay con đảnh lễ
Sắc thân Phật vô tận
Trí tuệ Ngài cũng thế
Tất cả pháp thường trú
Cho nên con về nương
Sức đại trí, đại nguyện
Độ tất cả quần sanh
Khiến bỏ thân nóng khổ
Sanh cõi Tịnh mát vui
Con nay sạch ba nghiệp
Quay về và đảnh lễ.
  

[Đảnh lễ Phật]
- Nhất tâm đảnh lễ: Cõi Thường Tịch Quang, A-di-đà Như Lai Pháp thân diệu thanh tịnh cùng tất cả các Đức Phật.
- Nhất tâm đảnh lễ: Cõi Thật Báo Trang Nghiêm, A-di-đà Như Lai Báo thân vô lượng tướng cùng tất cả các Đức Phật
- Nhất tâm đảnh lễ: Cõi Phương Tiện Đồng Cư, A-di-đà Như Lai Ứng thân chân giải thoát cùng tất cả các Đức Phật.
- Nhất tâm đảnh lễ: Cõi An Lạc phương Tây, A-di-đà Như Lai thân giới căn Đại thừa cùng tất cả các Đức Phật.
- Nhất tâm đảnh lễ: Cõi An Lạc phương Tây, A-di-đà Như Lai thân hóa khắp mười phương cùng tất cả các Đức Phật.
- Nhất tâm đảnh lễ: Cõi An Lạc phương Tây, Giáo hạnh lí ba kinh tuyên dương môn Tịnh Độ, cùng tất cả các Tôn pháp.
- Nhất tâm đảnh lễ: Cõi An Lạc phương Tây, Quán Thế Âm Bồ-tát thân vạn ức tử kim cùng tất cả các Bồ-tát.
- Nhất tâm đảnh lễ: Cõi An Lạc phương Tây, Đại Thế Chí Bồ-tát thân trí sáng vô biên cùng tất cả các Bồ-tát.
- Nhất tâm đảnh lễ: Cõi An Lạc phương Tây, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát thân trọn phần phước trí cùng tất cả Thánh chúng.
(Khai chuông mõ rồi quì tụng)



Hương trầm quyện tỏa lư vàng
Xông cùng pháp giới đạo tràng gần xa
Kết thành mây báu sáng lòa
Kính dâng hương nguyện thiết tha chí thành
Chư Phật thấu biết lòng lành
Pháp thân ứng hiện rõ rành chứng minh
Nam-mô Hương Vân Cái Bồ-tát Ma-ha-tát (3 lần)


Chí tâm sám hối
Đệ tử chúng con và chúng sanh trong pháp giới, từ đời vô thỉ cho đến ngày nay bị vô minh che đậy, nên điên đảo mê lầm; lại do sáu căn, ba nghiệp quen theo pháp chẳng lành, phạm hết mười điều dữ, cùng năm tội Vô gián và tất cả những tội khác, nhiều vô lượng vô biên nói không thể hết. Mười phương các Đức Phật thường trụ nơi đời, pháp âm không dứt, hương mầu đầy lấp, pháp vị ngập tràn, phóng ánh sáng sạch trong chiếu soi tất cả, lí nhiệm mầu thường trụ khắp cõi hư không.
Thế mà chúng con từ bao kiếp đến nay, sáu căn che mù, ba nghiệp tối tăm, chẳng thấy chẳng nghe, chẳng hay chẳng biết. Vì nhân duyên đó, trôi mãi trong dòng sanh tử, trải qua các đường ác trăm ngàn kiếp, không có lúc nào ra khỏi.
Kinh ghi rằng: “Phật Tì-lô-giá-na Biến Nhất Thiết Xứ, cõi của Phật ở gọi là Thường Tịch Quang”. Cho nên biết, tất cả pháp đều là Phật pháp mà con không hiểu lại trôi theo dòng vô minh. Vì thế, trong trí Bồ-đề mà thấy không thanh tịnh, trong cảnh giải thoát mà sanh lòng ràng buộc. Nay mới tỏ ngộ, nay mới sửa đổi ăn năn, thành kính đối diện Thế Tôn mà tỏ bày sám hối, khiến cho tất cả những tội nặng do ba nghiệp, sáu căn của chúng con và chúng sanh gây tạo từ quá khứ, hoặc hiện tại, hay vị lai, hoặc do chính mình gây tạo, hoặc bảo người gây tạo, hay là thấy nghe người gây tạo mà vui theo, hoặc nhớ hoặc chẳng nhớ, hoặc biết hoặc chẳng biết, hoặc nghi hoặc chẳng nghi, hoặc che dấu hoặc chẳng che dấu, thảy đều rốt ráo thanh tịnh.
Chúng con sám hối rồi, sáu căn ba nghiệp hoàn toàn trong sạch, không mảy may lỗi lầm, căn lành tu tập cũng trọn thanh tịnh. Tất cả đều hồi hướng để trang nghiêm cõi Tịnh, cùng chúng sanh đồng sanh nước An Dưỡng.
Nguyện Đức A-di-đà Phật thường đến hộ trì, khiến cho căn lành chúng con hiện tiền tăng trưởng, chẳng mất nhân lành Tịnh độ. Đến giờ lâm chung thân an niệm chánh, xem nghe rõ ràng, tận mắt thấy Đức A-di-đà Phật và các Thánh chúng tay cầm đài sen tiếp dẫn đệ tử, trong khoảng nháy mắt sanh đến trước Phật, đủ đạo hạnh Bồ-tát, độ tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.
Chúng đệ tử sám hối phát nguyện rồi, xin chí thành đảnh lễ.
-Nhất tâm đảnh lễ: Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A-di-đà Như Lai, biến pháp giới Tam bảo. (Đứng dậy lạy 3 lạy)
(Lạy xong, đồng ngồi tụng kinh A-di-đà)



Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần)
  
[KỆ KHAI KINH]
Pháp Phật cao vời, lại thẳm sâu
Trăm ngàn vạn kiếp khó tìm cầu
Nay con nghe thấy xin trì tụng
Nguyện thấu Như Lai nghĩa nhiệm mầu
Nam-mô Liên Trì Hải hội Phật Bồ-tát (3 lần)

KINH PHẬT NÓI VỀ ĐỨC A DI ĐÀ
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe. Có một thời Đức Phật và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tì-kheo đồng cư trú ở tịnh xá Kì-hoàn. Trong đó có những vị đệ tử ưu tú, là các bậc A-la-hán mà mọi người đều quen biết, như ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp, Ca-chiên-diên, Câu-hy-la, Ly-bà-đà, Châu-lợi Bàn-đà-già, Nan-đà, A-nan-đà, La-hầu-la, Kiều-phạm-ba-đề, Tân-đầu-lô-phả-la-đọa, Ca-lưu-đà-di, Kiếp-tân-na, Bạt-câu-la và A-nậu-lâu-đà. Lại cũng có các vị Đại Bồ-tát như Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi, A-dật-đa, Càn-đà-ha-đề, Thường Tinh Tấn, cùng vô số chư thiên như Thích-đề-hoàn-nhân v.v… đều nhóm họp.
Lúc bấy giờ Đức Phật bảo Xá-lợi-phất rằng: “Từ đây đi về phương Tây, cách khoảng mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Cực Lạc, Đức Phật A-di-đà, giáo chủ cõi ấy hiện đang thuyết pháp”.
Này Xá-lợi-phất! Vì dân chúng trong cõi nước ấy không có các nỗi khổ, chỉ toàn là niềm vui, cho nên được gọi là Cực Lạc.
Này nữa, Xá-lợi-phất, vây quanh cõi nước ấy có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, tất cả đều được làm bằng bốn thứ báu, vì vậy được gọi là Cực Lạc.
Này nữa, Xá-lợi-phất, ở nước Cực Lạc có hồ thất bảo chứa đầy thứ nước có tám đặc tính. Dưới đáy hồ toàn là cát vàng; bốn bên hồ có những con đường được làm bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê; bên các con đường ấy lại có vô số lâu đài cũng được xây dựng và trang trí bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não. Sen trong các hồ lớn như bánh xe, sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu hào quang vàng, sen đỏ chiếu hào quang đỏ, sen trắng chiếu hào quang trắng, hương sen tỏa ra thơm ngát và tinh khiết.
Xá-lợi-phất! Nước Cực Lạc được trang nghiêm bằng những cảnh vật tuyệt diệu như thế.
Này nữa, Xá-lợi-phất! Ở nước Phật ấy, nhạc trời luôn trỗi, đất bằng vàng ròng. Mỗi ngày sáu lần mưa hoa mạn-đà-la. Dân chúng nước ấy, mỗi buổi sáng thường lấy giỏ chứa đầy các đóa hoa tươi đẹp, mang đi cúng dường mười vạn ức Đức Phật ở các cõi khác. Đến giờ cơm trưa, mọi người đều về kịp nước mình để ăn cơm rồi kinh hành. Xá-lợi-phất, nước Cực Lạc được trang nghiêm bằng những điều tuyệt diệu như thế.
Này nữa, Xá-lợi-phất! Ở nước Cực Lạc, luôn có những loại chim nhiều màu sắc như Hạc trắng, Khổng tước, Anh vũ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già và Cộng mạng. Những loài chim này, ngày đêm sáu thời, thường hót lên những thanh âm hòa nhã. Âm thanh ấy diễn bày các pháp môn ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề phần, bát thánh đạo phần... Chúng sanh nghe được những pháp âm như thế đều niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng.
Xá-lợi-phất, các loài chim ấy không phải do nghiệp báo sanh ra. Tại sao? Vì ở nước Phật kia không có ba nẻo đường tăm tối là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Xá-lợi-phất! Ở nước ấy danh từ “ác đạo” còn không có, huống hồ là sự thực về ác đạo. Những loài chim kia đều do Phật A-di-đà biến hóa ra với mục đích là làm cho pháp âm được lưu truyền rộng khắp.
Xá-lợi-phất! Ở nước Phật ấy, mỗi khi có gió nhẹ thổi đến, các hàng cây và các màn lưới châu báu lay động, phát những âm thanh tuyệt diệu, giống như trăm ngàn nhạc khí cùng lúc trỗi lên. Chúng sanh nước ấy mỗi khi nghe các âm thanh kia thì đều niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Xá-lợi-phất! Nước Cực Lạc được trang nghiêm bằng những cảnh diệu kì như thế.
Xá-lợi-phất! Ông nghĩ sao? Vì sao Đức Phật kia có hiệu là A-di-đà? Xá-lợi-phất! Vì Đức Phật ấy có ánh sáng vô lượng, chiếu soi đến tất cả các cõi nước trong mười phương mà không hề bị chướng ngại. Vì vậy nên Ngài được gọi là A-di-đà.
Hơn nữa, Xá-lợi-phất! Thọ mạng của Đức Phật ấy và của chúng sanh trong nước Ngài thật vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, vì vậy cho nên Ngài có danh hiệu là A-di-đà.
Xá-lợi-phất! Từ khi Phật A-di-đà thành đạo đến nay tính ra đã mười kiếp. Này nữa, Xá-lợi-phất! Số đệ tử Thanh văn đã chứng quả A-la-hán của Đức Phật ấy nhiều vô lượng, không thể dùng toán học tính biết được. Số đệ tử Bồ-tát của Ngài cũng nhiều như thế.
Này Xá-lợi-phất! Nước Phật kia được trang nghiêm bằng những việc diệu kì như thế.
Này nữa Xá-lợi-phất! Tất cả những ai sinh về nước Cực Lạc đều trụ ở giai vị Bất thoái chuyển. Số lượng Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ trong đó rất nhiều, không thể tính đếm được, chỉ có thể dùng danh từ vô số a-tăng-kỳ để diễn tả mà thôi.
Xá-lợi-phất! Tất cả chúng sinh khi nghe nói đến nước Cực Lạc đều nên phát nguyện sanh về nước ấy. Vì sao? Vì sanh về nước ấy sẽ được gần gũi với rất nhiều bậc thiện nhân cao đức.



Xá-lợi-phất! Không thể với điều kiện một ít phước đức căn lành mà được sinh về cõi ấy. Vì vậy, Xá-lợi-phất! Nếu người nào muốn sinh Tịnh độ, khi nghe đến Phật A-di-đà phải liền ghi nhớ, tụng niệm danh hiệu Ngài, không để gián đoạn, hoặc trong vòng một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hay bảy ngày đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn. Đến khi lâm chung, người ấy sẽ được thấy Phật A-di-đà và các vị Thánh cõi kia hiện ra trước mặt. Lúc lìa đời, tâm ý người ấy không điên đảo tán loạn, được sinh ngay về nước Cực Lạc.
Xá-lợi-phất! Vì thấy được lợi ích lớn lao này, nên Như Lai muốn nói rằng nếu người nào nghe được những lời này, hãy nên phát nguyện sinh về nước ấy.
Xá-lợi-phất! Như hiện tại Như Lai đang ca ngợi những lợi ích và công đức không thể nghĩ bàn của Phật A-di-đà thì tại phương Đông có các vị Phật A-súc-bệ, Phật Tu-di Tướng, Phật Đại Tu-di, Phật Tu-di Quang, Phật Diệu Âm và các vị Phật khác, nhiều như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, tự triển bày tướng lưỡi rộng dài bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới và nói lên lời thành thật rằng: “Tất cả chúng sinh nên tin vào kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm[1] này”.
Xá-lợi-phất, tại phương Nam có các vị Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu-di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn và các vị Phật khác nhiều như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, tự triển bày tướng lưỡi rộng dài bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới và nói lên lời thành thật rằng: “Tất cả chúng sinh nên tin vào kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm này”.
Xá-lợi-phất, tại phương Tây có các vị Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang và các vị Phật khác nhiều như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, tự triển bày tướng lưỡi rộng dài bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới và nói lời thành thật rằng: “Tất cả chúng sinh nên tin vào kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm này.”
Xá-lợi-phất, tại phương Bắc có các vị Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhật Sanh, Phật Võng Minh và các vị Phật khác nhiều như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, tự triển bày tướng lưỡi rộng dài bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới và nói lên lời thành thật rằng: “Tất cả chúng sinh nên tin vào kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm này”.
Xá-lợi-phất, tại phương Dưới có các vị Phật Danh Quang, Phật Đạt-ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp và các vị Phật khác nhiều như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, tự triển bày tướng lưỡi rộng dài bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới và nói lên lời thành thật rằng: “Tất cả chúng sinh nên tin vào kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm này”.
Xá-lợi-phất, tại phương Trên có các vị Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta-la Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu-di Sơn và các vị Phật khác nhiều như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, tự triển bày tướng lưỡi rộng dài bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới và nói lên lời thành thật rằng: “Tất cả chúng sinh nên tin vào kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm này”.
Xá-lợi-phất! Ông nghĩ sao? Tại sao gọi kinh này là kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm?
Sở dĩ như thế, là vì những người nào nghe được kinh này mà thọ trì và nghe được danh hiệu Phật A-di-đà rồi một lòng chuyên niệm thì những vị ấy nhất định được các Đức Phật giúp đỡ và bảo vệ, tất cả sẽ đạt tới quả vị giác ngộ cao tột, không còn bị thoái chuyển. Vì vậy cho nên các ông hãy tin vào lời Như Lai đang nói, và cũng là lời các Đức Phật khác đang nói.
Xá-lợi-phất! Nếu có người đã phát nguyện thì đã sanh về nước ấy; đang phát nguyện thì đang sanh về nước ấy; sẽ phát nguyện thì sẽ sanh về nước ấy. Tất cả đều được không lui sụt đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì thế, nếu người nào có lòng tin thì nên phát nguyện sanh về cõi nước của Ngài.
Xá-lợi-phất, trong khi Như Lai đang ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của các Đức Phật, thì các Đức Phật cũng đang ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Như Lai rằng: “Phật Thích-ca Mâu-ni thật là hiếm có. Ngay trong cõi Ta-bà đầy dẫy năm yếu tố ô nhiễm là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược và mạng trược mà Ngài có thể chứng đắc được quả vị giác ngộ tối thượng và còn tuyên thuyết cho chúng sinh thế gian nghe những pháp môn rất khó tin nhận như thế.”
Xá-lợi-phất! Ông nên biết rằng, Như Lai sống trong thế giới đầy năm loại ô nhiễm này mà đạt tới được quả vị giác ngộ vô thượng, lại còn giảng nói cho chúng sanh pháp môn rất khó tin nhận này, đó là một việc làm thật là khó khăn."
Nghe Phật nói kinh này, Xá-lợi-phất, các vị tì-kheo, trời, người, a-tu-la, v.v... ai cũng vui mừng, phát lòng tin tưởng, tiếp nhận, lễ Phật và trở về trú xứ của mình.



[KỆ NGUYỆN SANH]
Nguyên bản Phạn: Bồ-tát Thế Thân soạn.
Hán dịch: Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi.
Kính bạch Đức Thế Tôn!
Hôm nay con một lòng,
Kính lễ khắp mười phương
Vô Ngại Quang Như Lai,
Nguyện sanh nước Cực Lạc.
Con theo nghĩa chân thật,
Của kinh Vô Lượng Thọ
Thuyết Kệ nguyện, tổng gom,
Tương ưng lời Phật dạy.
Quán tướng thế giới kia,
Đẹp hơn cả ba cõi.
Rỗng lặng như hư không,
Rộng lớn không bờ mé.
Chánh đạo đại từ bi,
Sanh căn lành xuất thế
Ánh sáng sạch tròn đầy,
Như mặt trời, gương sáng
Gồm đủ đặc tánh quí,
Và mọi vật trang nghiêm.
Ánh sáng sạch rực rỡ,
Soi chiếu khắp thế gian
Cỏ công đức bảo tánh,
Mềm mại xoay về phải
Người chạm tâm an vui,
Hơn cả Chơn-lân-đà.
Ngàn vạn hoa quí báu,
Phủ kín mặt ao hồ
Gió nhẹ lay cánh hoa,
Vô lượng tia sáng chuyển.
Từ cung điện lầu gác,
Nhìn thông thấu mười phương.
Cây cối nhiều màu sắc,
Hàng rào quí vây quanh.
Vô lượng báu đan xen
Hư không lưới giăng phủ.
Các linh báu hòa reo,
Diễn nói pháp âm mầu.
Mưa hoa và y phục,
Hương thơm xông cùng khắp.
Huệ Phật như mặt trời
Phá tăm tối thế gian.
Phạm âm mầu vang khắp,
Mười phương thảy đều nghe.
A-di-đà Chánh Giác,
Pháp vương khéo giữ gìn.
Bảy tịnh hoa Như Lai,
Từ hoa Chánh giác sanh.
Ưa thích vị Phật pháp,
Tam-muội là thức ăn.
Xa lìa khổ thân tâm,
Mãi mãi được an vui.
Toàn căn lành Đại thừa,
Không các loại cơ hiềm.
Hàng nữ nhân, căn khuyết,
Nhị thừa không sanh về.
Ước nguyện của chúng sanh,
Thảy đều được đầy đủ.
Cho nên con nguyện sanh,
Về cõi A-di-đà.
Vô lượng Bảo vương hoa
Làm đài tòa tịnh diệu.
Ánh sáng tỏa một tầm,
Tôn dung vượt quần sanh.
Âm thanh mầu của Phật,
Mười phương đều nghe biết.
Đồng đất nước lửa gió,
Hư không, vô phân biệt.
Chúng trời người bất động,
Từ biển trí tịnh sanh.
Như Tu-di Sơn vương,
Không núi nào hơn được.
Các chúng trời và người,
Đều cung kính chiêm ngưỡng.
Sức bản nguyện của Phật,
Ai biết đều lợi ích.
Khiến mau chóng thành tựu,
Biển công đức báu lớn.
Nước an lạc thanh tịnh,
Chuyển bánh xe vô cấu.
Hóa Phật và Bồ-tát,
Như mặt trời trên không
Như Tu-di bất động.
Ánh sáng sạch trang nghiêm,
Chỉ một niệm, cùng lúc
Chiếu khắp các Phật hội.
Lợi ích cả chúng sanh.
Trời tuôn hương, hoa, nhạc
Cùng y phục cúng dường.
Khen ngợi công đức Phật,
Không khởi tâm phân biệt.
Nơi nào không công đức,
Phật pháp và Tăng bảo
Con nguyện vãng sanh đến,
Giáo hóa giống như Phật.
Con tạo Nguyện kệ này,
Nguyện gặp A-di-đà
Nguyện cùng các chúng sanh,
Đồng sanh nước An Lạc.


[KHEN NGỢI PHẬT]
Phật A-di-đà thân rực rỡ
Tướng hảo ngời sáng tự trang nghiêm
Năm Tu-di tựa tướng bạch hào
Bốn biển lớn trong như mắt biếc
Trong hào quang hóa vô số Phật
Vô số Bồ-tát cũng hiện thân
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh
Chín phẩm sen vàng lên bờ giác
Chí thành lễ A-di-đà Phật
Nơi phương Tây thế giới an lành
Nay con xin phát nguyện vãng sanh
Cúi xin Đức Từ Bi tiếp nhận.
Nam-mô Tây phương Cực Lạc Thế giới Đại Từ Đại Bi A-di-đà Phật

Nam-mô A-di-đà Phật
(Ngồi niệm hoặc vừa niệm vừa kinh hành từ 30 phút đến một giờ hay nhiều hơn. Khi ngồi niệm, mắt nhìn vào tượng Đức Phật A-di-đà; nếu nhắm mắt, hoặc ngồi xa hay bị che khuất thì cũng nên tưởng hình Đức Phật trước mặt, đồng thời tâm duyên theo tiếng niệm, tai lắng nghe thật rõ tiếng niệm của chính mình)
Nam-mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát (3 niệm)
Nam-mô Đại Thế Chí Bồ-tát (3 niệm)
Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát (3 niệm)
Nam-mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ-tát (3 niệm)

(Sau khi niệm danh hiệu, đứng dậy lạy Phật, Bồ-tát. Tất cả lắng nghe Chủ lễ xướng kệ và danh hiệu, hoặc cả đạo tràng đồng xướng theo nhịp khánh. Xướng xong tất cả vừa thầm niệm vừa lạy. Tư thế lạy phải thật khoan thai, không hấp tấp, vội vàng, giữ hơi thở đều đặn. Trán, hai cánh tay đến bàn tay, hai đầu gối phải sát đất. Từ lúc trán vừa chạm đất đến lúc ngẩng lên, liên tục niệm 10 danh hiệu A-di-đà Phật)

Tây phương giáo chủ A-di-đà
Bốn tám nguyện lớn cứu Ta-bà
Chín phẩm đưa người sang bờ giác
Thệ độ chúng sanh vượt ái hà (1 lần)
- Nhất tâm đảnh lễ: Tây phương Giáo chủ Đại Từ Đại Bi A-di-đà Phật
(lễ 30 phút cho đến một giờ)

Y trắng đắp thân, đội mũ hoa
Tầm thanh cứu khổ hiện Ta-bà
Cành dương, bình nước là diệu pháp
An nhiên trợ hóa, vẻ từ hòa (1 lần)
- Nhất tâm đảnh lễ: Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm bồ-tát (3 lạy)

Thân tướng đoan nghiêm chẳng thể lường
Thiên y nhẹ mỏng phất diệu hương
Pháp tòa vòi vọi hương hoa khắp
Cất bước chân đi, động mười phương (1 lần)
- Nhất tâm đảnh lễ: Đại Hùng Đại Lực Đại Thế Chí bồ-tát (3 lạy)

Vô biên tịnh chúng khắp hư không
Rực sáng khôn cùng, chẳng hành tung
Từ bi tiếp dẫn về cõi Tịnh
Có duyên ngay đó được tương phùng (1 lần)
- Nhất tâm đảnh lễ: Phước Trí Nhị Nghiêm Thân Thanh Tịnh Đại Hải Chúng bồ-tát (3 lạy)

Hiền thánh được thỉnh thảy quang lâm
Đại chúng càng sanh khát ngưỡng tâm
Nương tựa sức từ cùng khen ngợi
Đồng thanh xướng lễ, thảy tu nhân (1 lần)
- Nhất tâm đảnh lễ: Liên Trì Hải Hội Phật Bồ-tát (3 lạy)

(Đảnh lễ xong, quỳ tụng bài sám Khể Thủ)

[SÁM KHỂ THỦ]
Cúi đầu đảnh lễ Đại Đạo Sư,
Dẫn dắt chúng sanh về cõi Tịnh
Con nay phát nguyện, nguyện vãng sanh
Xin Đức Từ Bi thương tiếp nhận.
Đệ tử chúng con, vì cả bốn ân, khắp cùng ba cõi, hết thảy chúng sanh trong toàn pháp giới, cầu đạo Bồ-đề, Nhất thừa vô thượng, chuyên tâm trì niệm A-di-đà Phật, danh thâu muôn đức, mong sanh Tịnh độ.
Nhưng vì chúng con phước mỏng nghiệp dày, chướng sâu huệ cạn, tâm nhiễm dễ tăng, đức Tịnh khó thành. Nay đối trước Phật, năm vóc thiết tha, một lòng bày tỏ, chí thành sám hối. Con và chúng sanh, từ đời vô thỉ cho đến hôm nay, chẳng biết tâm này vốn thường thanh tịnh, vọng khởi tham dục, sân hận si mê, nhiễm ô ba nghiệp, tạo vô lượng tội, kết vô biên oán. Những tội như thế, nguyện đều tiêu trừ. Từ nay về sau, chúng con lập nguyện, xa lìa pháp ác, lại không tạo thêm, siêng tu Thánh đạo, thệ không lui sụt, thệ thành Chánh giác, thệ độ chúng sanh.
Đức A-di-đà dùng sức từ bi và sức đại nguyện, chứng biết lòng con, thương tưởng đến con, gia hộ cho con. Để lúc Thiền quán, hoặc trong giấc mộng, được đấng cha lành, rưới nhuận cam lồ trên đảnh của con, phóng ánh sáng lành chiếu đến thân con, duỗi cánh tay vàng xoa đầu chúng con, hoặc dùng y báu đắp thân thể con, khiến cho tội chướng từ đời vô thỉ chóng tự dứt trừ, căn lành tăng trưởng, phiền não chóng không, vô minh chóng phá, diệu tâm viên giác bỗng nhiên khai ngộ, cõi Thường Tịch Quang luôn được hiện tiền. Đến lúc lâm chung, tự biết giờ khắc, thân không bệnh khổ ách nạn, tâm không tham luyến mê lầm, toàn thân thư thái, chánh niệm hiện tiền, ung dung bỏ thân, như vào Thiền định.
Ngay lúc bấy giờ Từ phụ Như Lai cùng Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, tất cả Thánh chúng phóng quang tiếp đón, đưa tay dắt dìu, lại thêm vào đó lầu gác tràng phan, nhạc trời hương lạ cùng hiện đón nghinh, cảnh đẹp Tây phương, hiện bày trước mắt, khiến cho chúng sanh, kẻ thấy người nghe, vui mừng cảm thán, phát tâm Bồ-đề. Bấy giờ thân con ngồi đài kim cang, bay theo sau Phật, trong khoảng nháy mắt, sanh vào hoa sen nơi ao bảy báu ở cõi Cực Lạc. Hoa nở thấy Phật và các Bồ-tát, được nghe pháp âm, chứng Vô sanh nhẫn, trong khoảng sát-na hầu cận chư Phật, được Phật thọ kí. Được thọ kí rồi, trong con thành tựu ba thân bốn trí, năm nhãn sáu thông, vô lượng trăm ngàn môn đà-la-ni. Sau đó không lìa cõi nước An Dưỡng, hiện trụ Ta-bà, phân thân vô số đến khắp mười phương, dùng sức thần thông, tự tại vô ngại không thể nghĩ bàn, lập các phương tiện độ thoát chúng sanh xa lìa phiền não, tâm được an tĩnh, đồng sanh Tây phương, trụ ngôi Bất thoái.
Thế gian vô tận, thế giới vô tận, nghiệp và phiền não tất cả vô tận, nguyện lớn của con cũng thật vô tận. Nguyện dùng tất cả công đức lễ Phật, phát nguyện tu trì, hồi hướng đến khắp các loài hữu tình, báo đáp thảy bốn ân, giúp nhuần cả ba cõi, pháp giới chúng sanh đồng thành Phật đạo.


[HỒI HƯỚNG]
Tụng kinh, lễ Phật, niệm hồng danh
Được bao công đức, hướng chúng sanh
Xin cho tất cả cùng chung hưởng
Mai sau An Dưỡng nguyện viên thành
Ba chướng dứt trừ phiền não hết
Tuệ tâm sáng tỏ được tịnh thanh
Nguyện ý sanh về miền Cực Lạc
Đài vàng chín phẩm mẹ cha lành
***
Hoa sen vừa nở thấy Như Lai
Chứng đắc Vô sanh thật chẳng sai
Bồ-tát bất thoái cùng tụ hội
Kết thành bạn tốt ngự liên đài.

[PHỤC NGUYỆN]
- Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh
- Nam mô Tây phương Cực lạc Thế giới đại từ đại bi A-di-đà Phật tác đại chứng minh
Hôm nay chúng con một dạ chí thành trì tụng kinh A-di-đà, niệm Phật công đức. Cuối mong hồi hướng cầu xin nguyện từ rộng lớn bình đẳng nhiếp thọ, từ bi gia hộ cho chúng Phật tử hiện tiền, nội gia quyến thuộc, hết thảy oan gia trái chủ, tất cả pháp giới chúng sanh: Chướng trước tự trừ, tật bệnh tiêu tan, không còn tai nạn, thân tâm an lạc; phá sạch vô minh, dứt hết phiền não, tùy tâm đầy đủ; Chánh kiến khai ngộ, diệu tâm sáng suốt, quy hướng Phật pháp, tin sâu nhân quả, tinh tấn tu Phật; An trú bồ đề, xa lìa pháp ác, gần gũi bạn lành; Khéo tu các hạnh bồ tát, mau chứng đạo quả bồ đề.
Ngưỡng cầu từ phụ A-di-đà Phật, phóng quang tiếp dẫn tất cả vong linh trong toàn pháp giới, hết thảy oán thân trái chủ, cửu huyền thất tổ, lịch đại tôn thân, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, thập loại cô hồn, hữu danh vô vị hữu vị vô danh... đồng vãng sanh Cực Lạc.
Nguyện cho chúng con phút lâm chung không chướng ngại, biết trước giờ khắc, thân không bệnh khổ, tâm không tham luyến, ý không điên đảo, luôn giữ chánh niệm, xem nghe rõ ràng, được tận mắt thấy từ phụ A-di-đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, chư thánh chúng bồ tát phóng quang tiếp dẫn chúng con vãng sanh về Cực Lạc quốc.
Phổ nguyện âm siêu dương thới, pháp giới chúng sanh, tình với vô tình, đồng trọn thành Phật đạo.
Nam mô A-di-đà Phật

[TỰ QUI]
Con về nương tựa Phật
Cầu nguyện cho chúng sanh
Thể nhận được đạo lớn
Sớm phát tâm vô thượng (1 lạy)
***
Con về nương tựa pháp
Cầu nguyện cho chúng sanh
Thấu hiểu được giáo pháp
Trí tuệ như biển lớn (1 lạy)
***
Con về nương tựa Tăng
Cầu nguyện cho chúng sanh
Thống nhiếp cả muôn loài
Tất cả không ngăn ngại (1 lạy)
***




Phụ lục
LƯỢC TRUYỆN BỒ TÁT THẾ THÂN

Bồ-tát vốn là một Đại luận sư Ấn Độ, người thành Phú-lâu-sa-phú-la, nước Kiền-đà-la, Bắc Ấn Độ, là con thứ hai của Quốc sư Kiều-thi-ca dòng Bà-la-môn. Ngài rất thông minh mẫn tiệp; đầu tiên Ngài học giáo nghĩa Tiểu thừa, luận biện sắc bén, ngang dọc tự tại. Anh của Ngài là bồ-tát Vô Trước, một hôm bị bệnh, sai người gọi Ngài đến, nhân đó khai thị giáo nghĩa Đại thừa. Bồ-tát Vô Trước bảo: “Trước khi ta mất, ông nên đọc những kinh điển mà ta đã học”. Ngài liền xem kinh Hoa Nghiêm, mới thấy được diệu nghĩa Pháp giới Tì-lô và biển hạnh nguyện Phổ Hiền. Thế là Ngài khởi lòng tin sâu, đồng thời than rằng:
Hãy dùng kiếm bén cắt đứt lưỡi của em để tỏ bày lỗi lầm tán dương Tiểu thừa!
Bồ-tát Vô Trước bảo:
-Như người do đất té ngã thì cũng nên nương nơi đất mà đứng dậy. Ngày xưa em dùng lưỡi nầy để huỷ báng Đại thừa, thì hôm nay cũng nên dùng lưỡi nầy để tán dương Đại thừa.
Nghe lời anh, Bồ-tát soạn luận Thập Địa. Vào ngày bộ luận thành tựu, mặt đất chấn động, ánh sáng chiếu soi rực rỡ. Sau đó Ngài soạn luận cho các bộ kinh Đại thừa như: Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Pháp Hoa, Bát-nhã, Duy-ma, Thắng Man. Ngài còn soạn Duy Thức luận, Nhiếp Đại Thừa Luận Thích. Tất cả những tác phẩm do Ngài soạn, văn nghĩa thật tinh diệu, hễ ai thấy nghe đều tin nhận. Cho nên, những người học Đại-Tiểu thừa tại Thiên Trúc và các nơi đều lấy những tác phẩm của Ngài làm nền tảng. Những Luận sư thuộc các bộ phái Tiểu thừa và ngoại đạo khi nghe đến tên của Ngài đều kính sợ. Tuy thân ở nơi phàm mà tâm thật khó biết!

Cuối Thu-Đinh Hợi (2007)
Nguyên Chơn soạn dịch



[1] Kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm: Đây là tên gọi đầy đủ của kinh A-di-đà. Nghĩa là kinh Khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật A-di-đà, và được các Đức Phật trong sáu phương nhớ nghĩ, bảo vệ.


Nghe Pháp đàm giải thích Nghi thức tụng niệm dành riêng cho hành giả tu chánh hạnh vãng sanh Tịnh độ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét