Hoàng Tá Thích
Lục tổ Huệ Năng một hôm thấy hai học tăng đang cãi nhau. Một người nói lá cờ (phướng) lay động vì gió. Người kia nói không phải gío mà vì lá cờ động. Ngài Huệ Năng nói: Gió không động, cũng không phải lá cờ động, chỉ vì Tâm các ông động mà thôi.
Đúng là chỉ có tâm mình động mới tranh cãi những chuyện như thế.
Một người bạn đã nói với tôi nhân lúc phải nghe những chuyện trà dư tửu hậu có phần không đúng sự thật trong những chuyến đi làm từ thiện: “Phiền não do mình mà ra. Nếu mình không nghe hoặc tâm đủ an tĩnh đến có thể bỏ ngoài tai những chuyện không đáng thì có bao giờ phải phiền não đâu”.
Nghe đơn giản thật, nhưng vấp phải chuyện có liên quan đến bản thân mình thì không phải dễ dàng gì.
Trong cuộc sống tục lụy bây giờ, tâm con người thật dễ bị động. Người làm thương mãi, không lúc nào là không bị “nhúc nhích” với vật giá thị trường, chứng khoán, cổ phiếu, tiền, vàng lên xuống bất thường. Chưa nói đến chuyện thua lỗ, hoăc bị lường gạt trong chuyện làm ăn. Như thế đã đành. Trong những câu chuyện giao du bè bạn hằng ngày, chỉ chuyện nói qua nói về không đâu, đôi khi vô tình “tam sao thất bổn” cũng dễ làm người ta động tâm, chưa nói đến những câu chuyện có tính cách xuyên tạc làm hại người khác để đem lợi về mình. Đôi khi Tâm còn động vì quá vọng tưởng. Có người làm một việc tốt kể cả đi làm từ thiện, giúp đỡ kẻ khác, tưởng không cầu lợi, nhưng lại cũng mong muốn có người biết và tán dương công đức. Không được như thế, cũng sẽ động tâm mà sinh lòng sân hận.
Có được Tâm vững mạnh để không bị ảnh hưởng đến những chuyện tục lụy không phải là đơn giản.
Trong giai thoại Thiền, có câu chuyện của Thiền sư Phật Ấn với danh sĩ Tô Đông Pha. Thiền sư Phật Ấn tu ở chùa Kim Sơn (Dương Châu, Trung Quốc) giao du rất thân tình với danh sĩ Tô Đông Pha. Một hôm Tô Đông Pha cảm thấy mình cũng đã đạt đến một mức thiền định cao, bèn làm một bài thơ về Thiền, trong đó có câu "Tám gió không lay động” ý nói tâm mình rất tĩnh, và cho thư đồng đem qua Thiền sư Phật Ấn xem. Ngài Phật Ấn xem xong, viết vào hai chữ “đánh rấm” và cho đưa về lại Tô Đông Pha. Danh sĩ nổi giận, đang đêm chèo thuyền đến chùa hỏi Ngài Phật Ấn: "Bài thơ tại hạ làm hay như thế sao Ngài lại bỡn cợt?” Ngài Phật Ấn cười: "Ông bảo là Tâm ông tám gió không lay động mà sao chỉ một cái đánh rấm cũng làm cho ông la hoảng lên thế?”
Ngày xưa, Tăng Sâm là học trò của đức Khổng tử, là một chính nhân quân tử. Bà mẹ Tăng Sâm hoàn toàn tin tưởng vào tư cách con mình. Một hôm bà đang ngồi chẻ củi. Một người đi ngang qua la lớn: Tăng Sâm giết người. Bà mẹ nghe nhưng không thèm để ý đến. Một người thứ hai chạy ngang lại la lớn: Tăng Sâm giết người. Bà mẹ vẫn để ngòai tai, vì tin chắc con mình không bao giờ làm nên chuyện như thế. Nhưng khi người thứ ba đi ngang, nói lớn: Tăng Sâm giết người thì bà mẹ không thể nào bình thản được nữa và cuối cùng phải chạy đi tìm hiểu sự thật (kẻ giết người cũng có tên là Tăng Sâm).
Đó là chuyện nghe ngoài đường mà còn hoài nghi, huống gì nghe chính những người thân mình. Có một người muốn chia rẽ mình với một người bạn khác, chỉ cần vu khống, nói là bạn nói xấu mình một điều gì đó. Nửa tin nửa ngờ. Nói nhiều lần, kết hợp nhiều chuyện thấy có lý thì cả tin ngay. Khẩu nghiệp vốn là nghiệp lớn nhất trong tam nghiệp: Ý nghiệp chỉ hại cho bản thân, hành nghiệp có thể làm hại một số người khác. Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nề nhất, không những làm hại cho bản thân mà có thể hại vô số người khác chỉ vì một câu nói không nên nói của mình. Người bị động tâm sẽ trở thành vô minh, không còn sáng suốt để phân tích, phán đoán mọi việc.
Hiểu rõ người khác, ngay cả người thân với mình để không bị động tâm không phải là một chuyện đơn giản.
Đọc truyện Tam Quốc, thấy Từ Thứ là một hiền tài. Nhưng khi đọc thư của Tào Tháo giả mạo bà mẹ mà phải bỏ Lưu Bị để qua đầu Tào mới thấy vẫn còn là con người thấp trí. Ở với mẹ bao lâu mà không hiểu rõ về mẹ mình đến phải mắc mưu Tào Tháo. Cho dù người ta bảo Từ Thứ vì quá hiếu đạo mà phải mắc mưu, thì vẫn thấy không hiểu được cái tiết tháo của mẹ mình, cũng không thể là một người con hoàn toàn hiếu thảo.
Khổng Minh đúng là người tài. Biết rõ tính cách Quan Công một cách tường tận, nên đã phân công cho Quan Công chặn đường Hoa Dung để Quan Công tha chết cho Tào Tháo, vì biết số Tháo chưa tận. Biết Ngụy Diên là người phản, nên đã tính kế giết Ngụy Diên ngay sau khi đã qua đời.
Bạn bè thì dễ, tri kỷ khó tìm. Giá như ban bè có thể hiểu rõ mình như Khổng Minh hiểu Quan Công thì đâu có những chuyện mất lòng nhau lăng nhăng trong cõi giao du bè bạn.
Đã không có được người hiểu mình thì phải cố gắng đừng để bị động tâm.
Trong những giai thoại về Phật pháp, có chuyện một người đàn bà chửa hoang bị dân chúng lên án, không biết đổ cho ai, phải trút lên đầu một nhà sư trong ngôi chùa gần đấy. Nghe nói người đàn bà có mang với mình, nhà sư chỉ cười: “Thế à!”. Đến lúc đứa bé ra đời, người đàn bà đến chùa bảo nhà sư: “con ông đấy”. Nhà sư lại cười: “Thế à”. Sau một thời gian, đứa con được người cha thừa nhận, người đàn bà lại đến chùa xin lỗi nhà sư. Nhà sư lại cười: “Thế à”. Đúng là tâm nhà sư không bao giờ bị động, không có một chuyện đời nào đụng được đến Tâm của nhà sư nọ.
Tuy là một phật tử, nhưng hồi trẻ, tôi vốn ít chùa chiền và phật sự. Đến chùa nghe không những các vị tăng ni, mà cả những phật tử gặp nhau ở chùa mở miệng là “A-di-đà Phật”. Nghe như A-di-đà Phật là Hello, Bonjour, là xin chào v.v... Dùng một danh hiệu của đức Phật để làm câu chào hỏi nhau thấy làm sao ấy. Hồi đó tôi rất dị ứng với cách chào hỏi nầy vô cùng.
Cho đến khi gặp lại một người bạn cũ. Anh ấy là một cư sĩ. Vì muốn tìm hiểu kinh điển Phật giáo nên đã học chữ Hán, sau đó là chữ Phạn, tiếng Pali, mục đích cũng chỉ để thấu đáo những lời Phật dạy hơn mà thôi, mặc dù bây giờ anh đã trở thành một giáo sư chữ Hán, chữ Phạn tại một Viện Phật học. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm và trò chuyện về những đề tài Phật giáo. Cũng nhờ anh bạn mà tôi có thêm nhiều hiểu biết về kinh điển và Thiền học.
Nhân một hôm đề cập đến những suy nghĩ của tôi về bốn chữ A-di-đà Phật nói trên, anh kể cho tôi nghe một câu chuyện: Khoảng những năm 80, anh có dịp ra thăm một vị đại hòa thượng ở Hà Nội. Hòa thượng hỏi anh có việc gì không, anh trả lời chỉ là đi công tác, dành chút ít thì giờ ra thăm “ôn” mà thôi. Hòa thượng cười hiền từ: “A-di-đà Phật, quý hóa, quý hóa. Có thì giờ để ghé thăm chùa là tốt lắm, về nhà nhớ thường niệm Phật nghe con, A-di-đà Phật.”
Bốn chữ A-di-đà Phật nghe rất bình thường, nhưng đó chính là cái nội lực vô cùng thâm hậu của những bậc tu hành đắc đạo. Như một thành trì che chắn thân tâm. Những gì là Hỷ nộ ái ố, tham sân si không thể nào có kẻ hở để lọt vào trong thân tâm các vị đó được. Có người khen mình, cũng A-di-đà Phật. Có người chửi mình, lại cũng chỉ A-di-đà Phật mà thôi.
Tìm được một người bạn hiểu rõ mình như Khổng Minh biết rõ tính cách của Quan công thì quá khó. Nhưng có thể lập cho mình một thành trì che chắn thân tâm để Tâm không thường bị động thì có thể làm được.
Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có hai chữ “Thôi kệ” rất nổi tiếng mà bạn bè ai cũng biết. Có người cho biết người ta nói sai về anh, anh cũng “Thôi kệ”. Có người vì ganh tỵ, tìm cách hại anh, anh cũng “Thôi kệ”. Hai chữ “Thôi kệ” của Trịnh Công Sơn cũng không khác chi hai chữ “Thế à” của nhà sư bị vu oan kể trên, và cũng không khác chi bốn chữ A-di-đà Phật của các vị cao tăng.
Nhà sư nói trên hay các vị cao tăng là những người đã xa lánh được phần nào những thị phi của cuộc đời, xem ra “Thế à”, hay “A-di-đà Phật” còn dễ. Đến như Trịnh Công Sơn chỉ là một người thường, lại là một người nổi tiếng, sống giữa những ganh ghét tục lụy mà “Thôi kệ” được, quả không phải là dễ dàng. Nhưng nếu chuyên tâm tu tập, tôi nghĩ, chúng ta vẫn có thể làm được.
(Theo Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 150)