CÓ MỘT ĐẠO TRÀNG NHƯ THẾ
Quảng Âm
Sáng nay anh Trần Văn Dũng (pháp danh Thiện Minh) thức sớm chuẩn bị mọi thứ. Vừa lúc cô Lan đến, anh Dũng mang chân gỗ vào cẩn thận, lần đến bàn thờ đảnh lễ Tam bảo rồi ra cửa. Câu đầu tiên anh hỏi cô Lan là mọi người có đi đông đủ không, vì anh lo một số bạn bận bán vé số không nhận được lời nhắn của anh. Anh thở phào hoan hỷ khi nghe mọi người đồng thanh đáp đi đông đủ cả. Có người còn nói: “Những ngày quan trọng như thế này làm sao có ai vắng mặt được chứ!”. Anh bước lên xe, cảm thấy đầy đủ thật, vì xe chật quá! Anh hỏi mọi người hôm nay đã thuộc kinh Nghi thức tụng niệm hằng ngày chưa và có chuẩn bị các câu hỏi cần thiết để trao đổi với bạn đạo không. Ngoài ra, anh còn căn dặn mọi người phải cố gắng chú ý oai nghi, giữ gìn thân-khẩu-ý cho được chánh niệm. Anh còn nhắc anh Sơn Thái Long (pháp danh Nguyên Thọ) là Phó trưởng đoàn rằng, ngày mai đi thăm cụ già đang điều trị ở bệnh viện vì tai biến mạch máu não. Anh Nguyên Thọ cũng thông báo cho mọi người rằng tối hôm nay đạo tràng sẽ đi tụng đám cho một người đã mất ở quận 8. Mặc dù sẽ phải cực nhọc hơn với trách nhiệm là trưởng đoàn, nhưng anh Thiện Minh vẫn thầm ước sao cho đạo tràng Tùy Duyên 3 của mình ngày càng có nhiều người tham gia hơn và được chấp nhận là thành viên chính thức. Điều ước mong này chắc ai cũng muốn, nhưng nhân duyên chưa tròn, nên số đạo hữu vẫn như cũ.
Cô Lan thông báo với mọi người xe đã đến chùa Linh Phước. Mỗi thành viên của Tùy Duyên 3 được một người của đạo tràng Tùy Duyên 1 dắt vào chùa. Như đã được dặn trước theo quy củ, mỗi người vừa lần đến cổng chùa tự cất dép vào túi của mình, rồi từng bước ngồi xuống đất ngay ngắn, im lặng, trang nghiêm. Hôm nay họ đến chùa sinh hoạt tụng niệm, trao đổi Phật pháp. Họ gồm 30 người, tất cả đều là khiếm thị.
Cô Diệu Hảo thay mặt đạo tràng Tùy Duyên 1, cất lời chào mừng các bạn Tùy Duyên 3 đã đến tham dự buổi niệm Phật và tặng quà hằng quý do Tùy Duyên 1 tổ chức. Mấy tuần nay, cô Diệu Hảo, trưởng đoàn đạo tràng Tùy Duyên 1 tất bật nhận quyên góp của các đạo hữu, rồi đi mua quà chuẩn bị cho ngày gặp gỡ đạo tràng khiếm thị Tùy Duyên 3. Cô vui mừng vì mối nhân duyên liên hữu giữa đạo tràng Tùy Duyên 1 và 3 cho đến hôm nay đã gần 5 năm, số tiền và quà ủng hộ ngày càng nhiều. Hôm nay, hiện kim và hiện vật cho mỗi đạo hữu khiếm thị là trên 500 ngàn đồng; mỗi người còn được 10kg gạo, nước tương, đường, muối, bột ngọt, thùng mì gói, dầu ăn, bột nêm, dầu nóng, thuốc v.v… Có lẽ món quà quan trọng hơn cả chính là 30 quyển kinh Nghi thức tụng niệm hằng ngày bằng chữ nổi cho người khiếm thị đã sẵn có.
Cô Diệu Hảo nhớ ngày đầu tiên đi thăm một người mù ở bến Bình Đông quận 8. Từ đó, cô dần dần cứ ba tháng một lần tổ chức tặng quà cho 30 người mù ở quận này. Nhân buổi phát quà, cô khuyên và chỉ cho họ niệm Phật. Cũng may, anh Thiện Minh, trưởng đoàn khiếm thị là Phật tử, ăn chay trường mười mấy năm, hết sức ủng hộ. Từ đó, hội khiếm thị cứ ba tháng một lần đến chùa trong quận để niệm Phật và nhận quà từ thiện. Sau đó, đạo tràng Tùy Duyên 1 chính thức nhận bảo trợ cho hội, các thành viên khiếm thị tự lập thành đạo tràng lấy tên Tùy Duyên 3 để đánh dấu bước đường tu học và liên kết bạn sen với đạo hữu thân thiết Tùy Duyên 1.
Các bạn Tùy Duyên 1 hết sức xúc động trước tấm lòng mộ đạo, tinh tấn của quý bạn sen Tùy Duyên 3. Càng quý kính họ hơn nữa khi biết được mặc dù ai nấy phải sống trong hoàn cảnh tăm tối, có vị bị mất chân hoặc tật tay v.v…, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng họ rất thiết tha với việc tu Phật. Ai nấy thật ngạc nhiên khi biết Tùy Duyên 3 ngoài thời gian quy định mỗi tháng đến chùa sám hối hai lần vào mùng 1 và 15, họ cũng thường đi tụng đám tang cầu siêu cho người mất. Tùy Duyên 1 bảo nhau: “Chưa chắc người sáng mắt làm được như thế! Thật đáng nể phục!”. Có một số khách do Tùy Duyên 1 mời tham gia buổi tụng niệm và giao lưu với các bạn khiếm thị. Khách rơi nước mắt khi thấy Phật tử khiếm thị ngồi dưới đất, hàng ngũ chệch choạc, chắp tay cong quẹo, nhưng áo tràng tươm tất, tụng niệm thuộc làu, cất cao danh hiệu Phật rõ ràng vang vang, khiến bà con ở chợ Cô Giang ngạc nhiên, bỏ quầy hàng, chạy đến xem đông nghẹt. Đến lượt họ, họ vừa ngạc nhiên vừa xúc động, không ai bảo ai, nhanh chóng trở về quầy hàng của mình rồi quay lại với vô số quà tặng thêm cho Phật tử khiếm thị: nào là mì gói, hủ tiếu khô, muối, đường, bánh tráng v.v… Tất cả làm cho không khí chùa Linh Phước thêm nhộn nhịp.
Ấy vậy mà nơi chánh điện tiếng niệm Phật của Tùy Duyên 1 và 3 tràn ngập cả không gian nhỏ hẹp, lan ra khắp cả góc chợ, không ai để ý đến tình hình sôi động ở bên ngoài. Tinh thần quý giá giờ phút tu tập là thế, trân trọng thời gian sống thanh tịnh ít ỏi là thế! Tùy Duyên 1 thật ngạc nhiên khi nghe các bạn sen khiếm thị thuộc làu hết cả quyển Nghi thức tụng niệm hằng ngày. Hỏi ra mới biết họ nghe CD tụng kinh này trước, học thuộc rất nhanh, có lẽ do bản kinh bằng tiếng Việt dễ hiểu, cũng do họ yêu thích và xem trọng việc tụng niệm này. Theo yêu cầu của họ, hôm nay Tùy Duyên 1 đã chuẩn bị sẵn 30 quyển kinh này bằng chữ nổi. Anh Nguyên Thọ, Phó đoàn khiếm thị còn phát tâm mở lớp dạy chữ nổi cho những người chưa biết đọc để họ có thể đọc tụng kinh điển, sách báo.
Sau nghi thức tụng niệm, đạo tràng khiếm thị Tùy Duyên 3 yêu cầu có buổi trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc về nội dung của quyển Nghi thức tụng niệm hằng ngày. Một lần nữa, các bạn sen đặc biệt này làm cho những Phật tử sáng mắt thấy ngại ngùng, phải suy nghĩ lại. Những câu hỏi thắc mắc của họ thật sâu sắc, chứng tỏ họ có suy nghĩ, nghiên cứu và tu tập khá tốt. Buổi thảo luận tuy có giúp họ thỏa mãn những câu hỏi nêu ra, nhưng dường như kiến thức về Phật học chưa dừng lại đó, câu hỏi vẫn còn nhiều, chỉ tiếc vì thời gian có hạn, buổi trao đổi sinh động đành phải dừng lại! Họ vẫn mong có được những buổi pháp đàm giá trị như thế, giúp họ sáng tỏ đường đi đến bờ giải thoát. Đâu lợi ích chỉ riêng họ, những người khiếm thị, mà các Phật tử Tùy Duyên 1, bà con tiểu thương đứng ngoài nghe cũng nhận được lợi ích, tuy ít ỏi về kiến thức nhưng rất thực tế cho việc tụng niệm hằng ngày. Các bạn sen khiếm thị tạo cơ hội cho mọi người thêm “thiện căn, phước đức, nhân duyên” làm tư lương về Tịnh Độ là thế!
Cho nên, đối với các đạo hữu khiếm thị, những buổi gặp gỡ, tụng niệm, giao lưu học hỏi này hết sức quý báu cho việc tu tập của mình. Nội dung sinh hoạt này đối với họ là chính yếu, quan trọng hơn cả việc nhận quà biếu từ các đạo hữu Tùy Duyên 1. Thật vậy, mỗi bạn khiếm thị đều có cuộc sống khốn khó riêng. Anh Trưởng đoàn Thiện Minh (65 tuổi) bị cụt một chân, mù bẩm sinh, đi bán vé số nuôi con. Anh Phó đoàn Nguyên Thọ bị tật tay, mù bẩm sinh, bán vé số nuôi gia đình. Ông Dũng mù không gia đình ở với người em thuộc diện nghèo khó. Ông vừa bị đột quỵ, phải nhờ sự trợ giúp của bà con. Còn có hai vợ chồng mù, người chồng bị tai biến mới vừa khỏi, liền bảo vợ cùng đi niệm Phật với đạo tràng. Kỳ lạ nhất có lẽ là trường hợp của cô Nghĩa lần mò đi bán vé số, bị tai nạn giao thông, bể hộp sọ, sống trong tình trạng khốn khó nơi giường bệnh, mất hết trí nhớ, nhưng bà lại không quên chú Đại bi. Còn nữa những trường hợp thương tâm, nhưng họ không bao giờ kể lể hay mở lời yêu cầu về hiện vật hay hiện kim, chỉ trình bày nguyện vọng được hỗ trợ kinh sách chữ nổi, CD tụng kinh, đặc biệt là thêm những buổi pháp đàm để họ thỏa nguyện trong tinh thần thiết tha cầu pháp. Những trường hợp khó khăn đặc biệt như vừa kể trên là hết sức bức bách, mới khiến họ mở lời cầu cứu!
Có một vài yêu cầu trong dè dặt mà các bạn sen khiếm thị đặt ra như những nguyện vọng chính đáng nhờ sự giúp đỡ. Những yêu cầu này cũng là nỗi trăn trở của các đạo hữu Tùy Duyên 1, vì yêu cầu vượt tầm khả năng của họ. Trước hết là các liên hữu khiếm thị tha thiết mong được tăng thêm số lượng, do một số người mù khác mong mỏi được tham gia sinh hoạt tu tập. Chẳng hạn số 15 người mù ở quận 10 là những vị thỉnh thoảng nhận sự trợ giúp vật chất của Tùy Duyên 1, rất muốn tham gia cùng Tùy Duyên 3. Khoảng 60 người khiếm thị quận 7, 8, Gò Vấp cũng thể hiện nguyện vọng như trên. Còn những vị riêng lẻ khác có hoàn cảnh rất đáng thương. Đó là một người khiếm thị tên Trần Toàn cùng sáu người khác xin vào Tùy Duyên 3 để được tu tập, chứ không xin trợ cấp, mặc dù hoàn cảnh của anh hết sức khó khăn. Anh Toàn đang ở nhà thuê, bán vé số, vợ đã mất, hai con đang học trường Cao đẳng và lớp 11. Tình trạng khó khăn thêm khó khăn, không đủ tiền đóng học phí cho con, nhưng anh vẫn cố hết sức để con không nghỉ học giữa chừng. Khi nhận tin từ chối, anh Toàn đã tự mình gọi điện thoại đến cô Diệu Hảo (trưởng đạo tràng Tùy Duyên 1) trình bày nguyện vọng thiết tha được vào tu tập cùng nhóm khiếm thị Tùy Duyên 3, chứ không hề kể về hoàn cảnh khó khăn của mình. Còn nữa những hoàn cảnh đáng thương, đáng quý đang chờ đợi vào sinh hoạt với Tùy Duyên 3…
Cô Diệu Hảo và đạo tràng Tùy Duyên 1 hết sức đau lòng, day dứt khi phải từ chối những trường hợp như thế. Lý do duy nhất là khả năng kinh tế của họ hạn chế, chỉ có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho số lượng 30 người của đạo tràng khiếm thị sẵn có mà thôi. Cô cũng đi tìm các nguồn kinh phí khác, kêu gọi tấm lòng nhân ái và tinh thần bố thí pháp của các mạnh thường quân, Phật tử, nhưng chưa mấy khả quan. Sự hỗ trợ này phải thực hiện lâu dài, nên nhiều người ngần ngại là vậy!
Sự bối rối của cô Diệu Hảo và Tùy Duyên 1 không dừng lại ở đó. Tùy Duyên 3 giới thiệu và mong muốn cô cùng Tùy Duyên 1 hỗ trợ trước mắt cho 100 người khiếm thị ở Đồng Tháp. Số là, khi biết được mô hình tu tập của các bạn Tùy Duyên 3, nhóm 100 người khiếm thị ở Đồng Tháp ngỏ ý xin CD tụng kinh Nghi thức tụng niệm hằng ngày và quyển kinh tụng bằng chữ nổi. Việc copy CD tụng kinh này đã hoàn tất, cô Diệu Hảo sẽ chuyển về Đồng Tháp cho họ, nhưng nỗi day dứt không hết, bởi họ cũng cần sự trợ giúp về hiện vật, hiện kim cho nhu cầu thiết yếu. Chưa bao giờ tinh thần của “tứ nhiếp pháp” để dẫn dắt mọi người, đặc biệt là người khiếm thị vào thế giới Phật pháp lại ý nghĩa như thế!
Vừa rồi, tin vui về 45 CD và quyển kinh Nghi thức tụng niệm hằng ngày đã đến tay 45 người khiếm thị của Hội người mù thành phố Đà Lạt cũng không làm cô Diệu Hảo và đạo tràng bớt nỗi lo lắng. Ba năm trước, 30 bạn khiếm thị của Tùy Duyên 3 thường tập hợp ở một chùa quận 7 để nhận quà biếu. Sau khi thầy trụ trì mất, người kế vị không đồng ý cho họ tập trung ở chùa nữa. Sau đó, cô Diệu Hảo tìm được chùa Linh Phước, một ngôi chùa nhỏ ở ngay chợ Cô Giang, quận 1. Sư cô trụ trì rất hoan hỷ nhận lời cho họ đến chùa cứ ba tháng một lần tụng niệm và nhận quà biếu. Được vài năm, chùa lại nằm trong diện giải tỏa phải di dời. Sư cô quyết định về chùa của sư phụ ở miền Tây. Một lần nữa, Tùy Duyên 3 lại bơ vơ, không có nơi nương tựa để tụng niệm. Đi tìm trụ xứ cho người khiếm thị không phải dễ, vì nơi ấy phải đáp ứng một số điều kiện tối thiểu giúp họ thuận tiện đi lại gần nhất; có chánh điện đủ cho khoảng 50 người ngồi tụng niệm, sinh hoạt; người của chùa sẵn lòng, hoan hỷ tạo mọi điều kiện giúp đỡ v.v…
Dù ngày hội thường quý của Tùy Duyên 1 và 3 đã gần kề, niềm háo hức được cùng nhau gặp gỡ, tu tập, trao đổi và tặng quà biếu càng dâng cao, nhưng nỗi day dứt và lo lắng trước những khó khăn, chướng ngại trên vẫn còn canh cánh bên lòng những người con Phật đầy lòng từ bi và trắc ẩn. Họ chỉ biết cầu sự gia hộ của chư Phật, Bồ-tát, Long Thiên hộ pháp mà thôi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét