18 thg 9, 2013

Phương pháp lạy Phật và quán tưởng


PS. Đạo Chứng

I.                  PHẬT LÀ ĐẤNG GIÁC GIẢ
  

1. Lễ Phật để khai phát Giác Tánh, chứ không phải là sùng bái mù quáng, cũng chẳng phải là một cử chỉ được làm theo thói quen.
2. Lễ Phật là để bồi dưỡng năng lực “hồi quang phản chiếu”

·      Khiến cho giác tánh được phát khởi trước khi quán tánh (thói quen) phát hiện, chứ không phải là một động tác tầm thường. Vì thế, phải luôn luôn quán chiếu từng động tác trong từng ý niệm. Do đó, khi lễ Phật, xin chú ý là đừng nhắm mắt
·  Từ đầu đến cuối là ngưng đọng ánh mắt để quán chiếu chính mình (đó gọi là Quán Tự Tại).
·       Thị lực tập trung vào chính giữa
·     Phải biết “mình đang làm gì”, làm gì cũng tưởng như có đức Phật ngự trên đảnh đầu đang nhìn mình
·       Chẳng thể hồ đồ bất giác (lạy “Mê” mà không lạy “Giác”)
·       Phải thâu tóm sáu căn, đừng để chúng tán loạn.

II.               ÐỨNG NHƯ CÂY TÙNG, NGAY NGẮN NHƯNG THONG DONG
  


1.   Hai chân đứng theo thế “tiền bát, hậu nhị” (hai mũi chân cách nhau 8 thốn = 26cm, hai gót chân cách nhau 2 thốn = 6cm)

2.     Ðầu ngay thẳng (đứng như tùng)
·        Dùng gót chân chịu lực, hít thở sâu, toàn thân buông lỏng.
·    Kiểm xem các ngón chân có hoàn toàn buông lỏng hay không.
·       Ðầu như quả chuông treo, rỗng rang, đoan chánh, tai nằm lọt giữa hai vai.
·     Gáy chạm vào cổ áo, xương cổ thẳng góc với xương ngực.
·     Tưởng như từ điểm giữa hai chân qua cột sống, lên đến giữa đỉnh đầu dường như nằm trên cùng một đường thẳng.
·    Thả lỏng các khớp nơi hàm dưới, đừng nghiến chặt răng. Lưỡi, vòm họng, yết hầu đều thư giãn. Ðầu lưỡi đặt ngay nơi vòm họng sau hàm răng trên. Cuống lưỡi co lên trên như thể đang ngậm một búng không khí (giữ như vậy thì dễ dàng nuốt nước bọt ứa ra trong họng, khí quản lẫn yết hầu đều thông thoáng).
·       Cơ thể thư giãn thì khí mạch thông, đầu nhẹ nhõm, dễ giữ gìn chánh niệm, chẳng hôn trầm, chẳng tán loạn.

III.           CHẮP TAY - NHIẾP TÂM


1.   Hai tay chắp ngang ngực (vai và cánh tay phải thư giãn). 
2.   Hai gốc ngón cái phải nằm ngang huyệt Ðản Trung 
·        Huyệt Ðản Trung là trung điểm của đường thẳng nối liền hai đầu vú 
·        Hai tay đừng áp lên ngực, nên đặt cách xa ngực chừng một phân. 
3.  Kiểm xem các ngón tay có áp sát vào nhau cùng hướng thẳng ngay ngắn lên trên hay không (nếu tâm tán loạn thì ngón út sẽ tự tách xa các ngón khác). 
4.  Tay chắp ngay ngắn nhưng phải rất thư giãn, đừng gồng cứng, hai tay dường như dựa vào nhau ngơi nghỉ. 
5.   Hít thở sâu, vai thả lỏng, đừng áp sát tay vào nách. 
6.   Giữ tư thế đoan chánh nhưng thư giãn, hít thở sâu, sung mãn. 
7.   Thâu nhiếp ánh mắt, chú mục nơi chính giữa hai tay (trung tuyến). 
8.   Ở mức cao hơn thì quán sát hơi thở ra vào nơi mũi. 


 IV.           CÚI ÐẦU – NHÌN LẠI MÌNH

1.   Mềm mại cúi đầu xuống lễ kính. 
2.  Ðầu giống như nhánh lúa chín ươm ngả xuống cho đến khi cằm chạm vào ngực. Cổ hoàn toàn buông lỏng đừng dùng sức (thoạt đầu nếu không làm được như vậy là do gân cổ đã cứng lâu ngày. Cứ buông lỏng thì lâu ngày sẽ như khi ngủ gật, đầu tự nhiên gục xuống dễ dàng, chẳng cần phải tốn sức, tự nhiên sẽ buông lỏng được gân cổ). 
3.  Vẫn thâu nhiếp ánh mắt, phản quán chính mình. Lễ Phật là tu tập “tịnh trong động”, dù trong khi lễ lạy, cảnh vật trước mắt thay đổi, trước sau vẫn lưu ánh mắt nơi chính giữa (luôn thâu nhiếp 6 căn).

[Nếu một niệm hồi tâm sẽ quyết định được sanh về cõi Cực Lạc sẵn có trong tự tâm!]
----Ngẫu Ích Đại Sư

V.               KHOM MÌNH – KHIÊM TỐN


 Chú ý: Ðộng tác này không phải là gập lưng ngả về trước khiến trọng tâm rơi vào đầu ngón chân, mà là khom mình hướng tâm (vẫn giữ trọng tâm nơi gót chân)
1.  Trọng tâm tại gót chân, đứng vững trên gót chân, ngón chân buông Lỏng không chịu lực.
2. Ðầu cúi xuống nhìn thẳng đường chính giữa như là nhìn chính mình vậy. Nếu cần thì nhìn thẳng vào đường giữa hai gót chân của mình, cũng giống như người đang nằm ngửa mà dùng lực ngồi dậy, khiến cho ức, bụng, mông, đầu gối đều đồng loạt giật lui, khiến cho cột sống hướng lui sau và ngồi dậy. Bụng thót vào một thốn (khoảng 3,3cm), còn cánh tay thì bất động.


VI.            VAI THƯ GIÃN (CHUẨN BỊ NGỒI XUỐNG) - BUÔNG XẢ


1.    Vẫn giữ tư thế đầu cúi xuống và thân gập lại như cũ
2.   Hai bàn tay vẫn chấp lại hướng thẳng xuống giữa hai gót chân 
3. Hai tay chắp sát vào nhau. Hướng theo đường thẳng tưởng tượng đi từ ngực xuống đến điểm chính giữa hai gót chân, mượn trọng lực để hạ hai vai xuống. 
Tư thế này tiêu trừ sự căng thẳng thường nhật của hai vai. Ðầu hai bàn tay buông xuống hướng đúng vào ngay điểm giữa hai gót chân là chuẩn mực để kiểm nghiệm xem mình có làm đúng động tác hay không. 
* Ðộng tác 7 và 8 là hai động tác liên tục. Tay chạm đất là động tác chuyển tiếp trong nháy mắt. Dù động tác này thực hiện rất nhanh (chừng 3 giây), nhưng việc giữ nguyên trọng tâm, độ mở của hai mũi bàn chân, cũng như sức nơi Ðan Ðiền là những điều rất trọng yếu. Vì thế không thể lướt qua  sài được mà phải quan sát tách bạch.

VII.        CONG GỐI - CONG THÂN HẠ MÌNH XUỐNG (CUNG KÍNH)




1.    Vẫn tiếp tục cúi đầu, gập thân, thòng tay 
2.   Giữ vững hai ống chân đứng thẳng mà gập đầu gối lại cho đến khi hai tay đụng đất (tưởng tượng như phía sau hai bắp chân có ghế để dựa vào chân ghế mà ngồi xuống). 
3.   Mắt vẫn chăm chú nhìn thẳng ngay đường giữa 2 mắt và rốn, dựa vào đường thẳng nầy mà ngồi thẳng xuống trên hai gót và tay sẵn sàng chống xuống mặt đất 
4.   Nhẹ nhàng hai tay phân ra hai bên đầu gối hai lòng bàn tay lật hướng về phía sau để chống xuống đất. 
Người mới tập thì đầu gối có khuynh hướng đâm về phía trước, nên phải cố gắng tập luyện.
Chú ý: Vì trước khi động tác gập người xuống thì bắp vế và đầu gối đã hướng về sau rồi, vì vậy trong khi xếp đầu gối lại, bắp chân vẫn còn đứng thẳng mà giữ cho đừng chúi đầu gối về trước. 
-     Nếu bắp chân thẳng: Trọng tâm ở gót chân (trong tâm vật lý tự nhiên), khi gập gối, không tốn sức để giữ thăng bằng, chân không đau mà nhẹ nhàng
-     Nếu bắp chân nghiêng: trọng tâm đổ về trước (không phải trọng tâm vật lý tự nhiên, phải tốn sức để giữ thăng bằng, khẩn trương, chân đau

VIII.    QUỲ XUỐNG ĐẤT (HẾT SỨC CUNG KÍNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG)


1.    Khi đầu các ngón tay đụng đất, có thể khi hai tay chạm đất, gót chân mới nhón lên để đầu gối quỳ xuống, động tác này rất nhanh. Các khớp xương bàn và ngón chân đều được kéo giãn ra, các khớp xương của mỗi bàn chân đều được kéo ra, đều cùng vận động.
2.    Chỗ mà các đầu ngón tay đụng đất là phải ngang với đầu gối khi quỳ xuống. Hai đầu gối hơi mở ra một chút khoảng 5cm, (không nên quá rộng, để khỏi nằm sát xuống đất và làm cho cột sống giãn ra. 
3.   Khi đầu gối đã quỳ trên đất, thì tay thư giãn. Hãy chú ý đến trọng tâm.

IX.   QUỲ NGỒI TRÊN BẮP CHÂN NHẸ NHÀNG - LOẠN TÂM CHẤM DỨT


Lòng bàn chân hướng lên trên thành hình chữ V, hai ngón chân cái đụng nhau một cách nhẹ nhàng mà không đè lên nhau, mông đặt nhẹ nhàng lên hai mặt trong của gót chân, quỳ vững ngồi yên, lấy sức nặng của thân thể đè lên hai gót chân. (Tư thế nầy có khả năng làm giãn khớp xương mắt cá, kích thích điểm phản xạ bạch huyết cầu).
Lưu ý: Trọng tâm vẫn ở giữa hai gót chân.
  
X.  HAI TAY DUỔI THẲNG TỚI TRƯỚC ĐỂ ĐÓN PHẬT - ÐỂ TRỞ VỀ GIÁC TÁNH


1.    Ngồi vững vàng, trọng tâm ở giữa hai gót chân, toàn thân thư giãn 
2.    Vẫn giữ đầu cúi xuống (không ngẫng đầu lên)
3.  Hai tay mềm mại, hướng về phía trước ngay chính giữa duỗi thẳng tới như hình sau (/\). Đầu các ngón chấm xuống đất
4.   Tay vẫn thư giãn, không chuyển gân, nhưng hai bắp thịt vai vẫn triển khai sức kéo về phía trước 
5.   Lúc nầy bụng dưới úp xuống mặt đất, thân thể thư giãn (sức tại đan điền) 

XI.            NĂM VÓC GIEO SÁT ĐẤT - THỨC TỈNH


1.   Ngồi vững vàng, vẫn trong tư thế quỳ (giữ trọng tâm giữa 2 gót chân) 
2.    Dùng đầu ngón tay giữa làm điểm tựa chống xuống đất 
3.   Hai cùi chỏ bật ra hai bên, hai đầu cùi chỏ ngang thẳng với hai lỗ tai, hai vai mở rộng, hai bả vai bằng phẳng, đừng rút vai lại, nách mở rộng, mở rộng ngực, phổi căng, ngón tay, lòng bàn tay bằng phẳng úp xuống mặt đất (thể hiện tâm bình đẳng). 
4.   Trong lúc mở rộng hai cùi chỏ thì thân trên hạ sát đất, huyệt ấn đường chạm đất. Không nên chuồi tới phía trước thái quá, nhưng có thể hạ thấp càng tốt làm cho xương sống cong lên phía sau, thế nầy làm cho thở sâu 
5.    Đỉnh đầu, rốn và giữa hai gót chân nằm trên một đường thẳng. 

XII.     LẬT HAI BÀN TAY NGỮA LÊN ĐẶT TRÊN CHÂN PHẬT - CHUYỂN PHÀM THÀNH THÁNH


1.   Trước hết hai bàn tay nhẹ nhàng nắm lại một nửa 
2.  Trong lúc lật bàn tay lên ngón tay từ từ bật ra như một bông sen đang nở, như đem hết lòng để cúng dường lên Ðức Phật. Ðộng tác nầy biểu thị sự quyết tâm, quyết chí chuyển biến chính bản thân mình hướng về đức Phật để tu học. Hai bàn tay hoàn toàn bằng phẳng, không xiêng xẹo, gồng cứng, mà phải thư giãn mềm mại như cánh hoa sen. 
3.  Dùng bàn tay hoa sen nầy đặt lên chân Phật. Hai tay quá đầu về phía trước khoảng một nắm tay. Hai ngón tay giữa cách nhau khoảng 12cm, ngón tay tuy thư giãn nhưng phải ngay thẳng. 

XIII.      TÂM MÌNH CÙNG VỚI TÂM PHẬT - THÔNG SUỐT GIAO HÒA


1.   Trong khi lật tay đón Phật, quán tưởng Phật đang đứng trên bàn tay bông sen của mình và nhận cái lạy của mình. Lúc này gặp được tâm Phật nở một nụ cười. 
2.   Ðức Phật phóng quang rọi xuống chính mình, ánh sáng của đức Phật chiếu xuống và đi vào đỉnh đầu của mình, đầy khắp cả thân tâm, toàn thân đều buông lỏng, với nụ cười tự nhiên và hít thở thật sâu.

XIV.     TRỞ LẠI TƯ THẾ QUỲ - HOAN HỶ TÍN THỌ


1.   Sau khi đón Phật, cũng nắm nửa bàn tay, nhận lãnh Phật lực
2.  Kế đó úp bàn tay lại để sát trên mặt đất, tượng trưng bình đẳng bố thí 
3.    Hít vào tự nhiên, không cưỡng sức
4.   Cất đầu thẳng lên trở lại thế quỳ ngồi, hai tay rút vào hai bên đầu gối và đầu ngón tay ngang với đầu gối. Vì đầu ngẩng lên nên như một bức tượng gỗ có dây kéo lên ví như đức Phật đang kéo mình dậy, toàn thân thư giãn hoàn toàn, không dùng lực, không dựa lưng nên làm cho có sức để ngồi lên 

XV.  BẬT HAI LÒNG BÀN CHÂN RA PHÍA NGOÀI - HOAN HỶ KHỞI HÀNH
  


1.  Dùng đầu gối làm điểm tựa (dùng sức chống của hai bàn tay ở hai bên đầu gối phụ thêm)
2.  Nhờ sức kéo khi ngẫng đầu lên, tự nhiên hai mông rời thế ngồi làm cho hai bàn chân tự động đang ở hình chữ V đổi thành hình chữ bát (/\) (thân thả lỏng mới linh hoạt, vai và tay không dùng lực đè xuống)
* Cách chuyển chân:
- hai ngón chân cái bật ra ngoài chạm đất cách nhau khoảng 26cm (bát thốn)
- hai gót chân hướng vào trong cách nhau khoảng 6cm (nhị thốn)
(Mục đích động tác này để giữ đúng vị trí và kích thước lúc ban đầu sau khi đứng lên – “Tiền Bát Hậu Nhị”)


 XVI.     ÐỨNG DẬY - VỮNG CHẮC KHÔNG LÙI


Giống tượng gỗ được kéo lên bằng dây, như được đức Phật kéo lên từ đỉnh đầu bằng một sợi dây, rất linh hoạt, nhanh nhẹ đã trở về thế đứng 
[đứng lên hoàn toàn chẳng tốn sức cơ lưng, cũng chẳng cần dùng đến hai tay chõi xuống đất nhấc thân lên). Từ đầu đến cuối, luôn giữ đầu ở vị trí cao nhất (mông không được cao hơn đầu). Cần phải dụng tâm thể hội điểm trọng yếu này: dùng sức nhấc đầu lên, chẳng bận tâm đến các bộ vị khác của thân thể]
Chú ý: Trong khi đứng lên, đừng nhấc mông trước rồi mới nhấc đầu sau. Nếu làm vậy sẽ rất tốn sức khiến hông nhức, lưng đau.

Tại sao phải chống tay xuống đất trước rồi mới quỳ sau? Nếu chúng ta không chống tay xuống đất trước mà đột nhiên quỳ xuống, thì khớp xương đầu gối có thể bị tổn thương. Như đã nói ở trước, lạy Phật là những động tác mềm dẻo theo quy luật, chứ không phải là một sự khổ nhục, không cần phải làm cho thân thể thọ thương. Vì thế phải mềm mại chống tay xuống đất trước để lấy điểm tựa, sau đó bàn chân mới nhón lên để quỳ xuống, trong sự mềm mại của động tác là để điều phục nhân tâm. Hai tay chống đất mà quỳ xuống là biểu hiện sự cung kính, khiêm nhường, từ bi hết mức.

https://youtu.be/PF3qs_LxuSU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét